Trưởng đặc khu Hong Kong như nghẹn lời tại họp báo
13 tháng 8 2019.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Trong buổi họp báo mới đây, bà Carrie Lam - trưởng đặc khu Hong Kong có một lúc như nghẹn lời khi phát biểu về hiện trạng biểu tình kéo dài đang diễn ra.
Tác động tiêu cực lên nhiều mặt đời sống tại Hong Kong, những cuộc biểu tình kéo dài phản đối dự luật dẫn độ của Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong vẫn không có dấu hiệu chấm dứt. Với cương vị người đứng đầu chính quyền đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam đã trả lời họp báo về hướng giải quyết tình hình căng thẳng này. Có vẻ mọi chuyện đang phức tạp và khó khăn hơn nên vị này đã có chút cảm xúc trong lời phát biểu.
Cụ thể hơn, xin được dẫn lại nguyên văn bài "Lãnh đạo Hong Kong suýt khóc, cảnh báo 'vực thẳm' do biểu tình" trên báo VnExpress như sau:
Trưởng đặc khu Carrie Lam hôm nay họp báo, vài lần nghẹn ngào khi cảnh báo biểu tình đẩy Hong Kong vào nguy hiểm, song né câu hỏi về rút dự luật dẫn độ.

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tại buổi họp báo hôm nay. Ảnh: SCMP.
"Việc sử dụng bạo lực hay bỏ qua hành vi bạo lực đều sẽ đẩy Hong Kong vào con đường không thể quay đầu, đẩy xã hội Hong Kong vào tình trạng đáng lo ngại và nguy hiểm", Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam nói trong cuộc họp báo sáng nay trước khi triệu tập họp Hội đồng điều hành Hong Kong. "Tình hình Hong Kong tuần qua khiến tôi rất lo rằng chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm".
Bình luận của bà Lam được đưa ra sau khi hàng nghìn người biểu tình Hong Kong tràn vào sân bay quốc tế ở đặc khu hôm 12/8, khiến sân bay bị đóng cửa, tất cả các chuyến bay đến và đi bị hủy. 310 chuyến bay đến và đi từ sân bay quốc tế Hong Kong hôm nay cũng bị hủy do tình trạng hỗn loạn mà cuộc biểu tình hôm qua gây ra.
Bà Lam cho rằng việc người biểu tình kéo đến sân bay buộc tất cả các chuyến bay phải hủy, hay bao vây đồn cảnh sát và phong tỏa đường sá diện rộng đã khiến thành phố không còn an toàn. "Hong Kong đã bị tổn hại, sẽ mất rất nhiều thời gian để khôi phục", bà Lam cho hay.
Trong buổi họp báo, bà Lam phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ phóng viên. Họ liên tục ngắt lời lãnh đạo Hong Kong khi bà bảo vệ hành vi của cảnh sát trong các cuộc đụng độ với người biểu tình.
Theo bà Lam, cảnh sát Hong Kong phải đối mặt với "những tình huống cực kỳ khó khăn" và bị ràng buộc bởi "những chỉ dẫn cứng nhắc, nghiêm ngặt về sử dụng vũ lực phù hợp". Giọng bà Lam nghẹn nghẹn khi bị phóng viên ngắt quãng khi đưa ra tuyên bố bảo vệ cảnh sát.
Bà cũng né tránh câu hỏi về việc bà có đủ quyền lực để chấm dứt khủng hoảng bằng cách đáp ứng yêu cầu của người biểu tình là rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, trong đó cho phép dẫn nghi phạm tới những nơi thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc.
Bà Lam từ chối bình luận câu hỏi bà có bị phụ thuộc vào Bắc Kinh trong vấn đề dự luật dẫn độ hay không, nói rằng câu hỏi này đã được giải đáp trước đây.
"Tôi một lần nữa yêu cầu mọi người bỏ qua sự bất đồng và bình tĩnh lại. Hãy dành một phút để suy nghĩ, nhìn vào thành phố, những ngôi nhà của chúng ta, bạn có thực sự muốn thấy nó bị đẩy vào vực thẳm hay không", bà Lam nói và gần như bật khóc.
Biểu tình ở Hong Kong bùng phát từ đầu tháng 6 để yêu cầu hủy bỏ dự luật dẫn độ và Trưởng đặc khu Carrie Lam phải từ chức. Biểu tình đa phần ôn hòa, song đôi lúc trở nên bạo lực khi người biểu tình đụng độ cảnh sát, tấn công Hội đồng Lập pháp thành phố và Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh tại Hong Kong.
Chính phủ Trung Quốc nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Lam và cảnh sát Hong Kong, lên án những người biểu tình "cực đoan". Bắc Kinh cũng cho biết nếu cuộc khủng hoảng biểu tình vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền Hong Kong, chính quyền trung ương sẽ không khoanh tay đứng nhìn
Có vẻ chính quyền Trung Quốc nhất định không dở bỏ luật dẫn độ áp đặt lên Hong Kong, lời hứa tự do cho đặc khu Hong Kong trước đây dường như chỉ là lời nói vớ vẩn, một lời xoa dịu chứ không mang tính thực thi chân thật - điều mà vài năm nay chẳng còn ai xa lạ khi nhìn vào cách hành xử của Trung Quốc trên trường quốc tế.
BW
Bài liên quan